Vật liệu chống thấm trong xây dựng

Vật liệu chống thấm trong xây dựng

Bài này mình chia sẻ với các bạn những kiến thức cơ bản cần biết về vật liệu chống thấm trong xây dựng nhằm giúp các bạn có cái nhìn tổng quát về loại vật liệu này.

Khái niệm

Có một số khái niệm về chống thấm như sau:

Chống thấm là quá trình làm cho một vật thể hoặc cấu trúc không thấm nước hoặc chống nước để nó tiếp tục không bị ảnh hưởng bởi nước hoặc chống lại sự xâm nhập của nước trong các điều kiện quy định. Các vật thể hay cấu trúc này thường được sử dụng trong môi trường ẩm ướt, hay dưới thời tiết mưa bão, hoặc ngập sâu dưới nước ở những độ sâu nhất định.

Chống thấm là sử dụng một hay nhiều phương pháp để ngăn chặn nước hay chất lỏng làm cho chúng không thể thấm qua một bề mặt vật chất trong giới hạn cho phép.

Nguyên nhân gây thấm là do có những ống mao dẫn (là khoảng cách giữa các hạt) có đường kính khoảng từ 20 – 40 micromet (1micromet = 1/1.000 milimet) trong các loại vật liệu xây dựng. Hiện tượng thấm sẽ có thể xảy ra khi bề mặt vật liệu xây dựng tiếp xúc với nước, hơi ẩm và chúng sẽ xâm nhập vào trong các vật liệu này thông qua các ống mao dẫn trên.

>>Xem thêm: Chống thấm tại Hà Nội giá rẻ

Các phương pháp chống thấm thông dụng trong xây dựng

Phụ gia đổ bê tông

Nguyên lý hoạt động: lấp đầy độ rỗng của bê tông, lấp kín các lỗ mao dẫn và tạo ra các lớp chống nước trên bề mặt các lỗ mao mạch đó. Từ đó có tác dụng ngăn cản không cho nước thấm qua bê tông khi bê tông đạt mác thiết kế.

Dán màng chống thấm

Ưu điểm của phương pháp này là khá đơn giản so với các phương pháp khác, chúng ta chỉ cần vệ sinh sạch sẽ bề mặt cần chống thấm, sau đó dán trực tiếp màng dán lên bề mặt.

Vị trí chống thấm: khu vực sàn nhà, mái nhà; khu vực hầm…

Bơm keo

Keo chống thấm gồm hợp chất epoxy 2 thành phần, độ nhớt cao, có khả năng chịu được mọi yếu tố thời tiết khắc nghiệt. Để bơm keo chống thấm chúng ta cần có máy khoan tạo lỗ và thiết bị bơm keo chuyên dụng khoan áp lực cao vào bê tông.

Dùng vữa chống thấm

Trộn vữa chống thấm với các loại vật liệu xây dựng khác như keo dán gạch sẽ tạo ra hiệu quả chống thấm rất cao, giảm độ co ngót của vữa xi măng và tăng độ bám dính.

Quét dung dịch

Chúng ta quét dung dịch chống thấm lên bề mặt cần chống thấm, vì dung dịch ở dạng lỏng nên sẽ dễ dàng thẩm thấu vào bên trong với độ bám dính tốt,có tác dụng ngăn sự lan rộng của vết nứt.

Để chống thấm một cách hiệu quả chúng ta cần phải khảo sát vị trí chống thấm kỹ lưỡng từ đó đưa ra được các biện pháp chống thấm phù hợp.

Trên đây mình đã trình bày về khái niệm chống thấm, một số tiêu chuẩn chống thấm trong xây dựng, các yêu cầu của vật liệu chống thấm, cách phân loại vật liệu chống thấm trong xây dựng, một số vị trí cần chống thấm phổ biến trong công trình, một số chủng loại chống thấm thông dụng và các phương pháp chống thấm thông dụng trong xây dựng.

Các yêu cầu của vật liệu chống thấm

Các vật liệu chống thấm phải đáp ứng được các yêu cầu như sau:

  • Đáp ứng được các yêu cầu chống thấm của công trình.
  • Chịu được áp lực nước, bề mặt chống thấm có tính liên tục và được liên kết chặt chẽ.
  • Chịu được nhiệt độ cao.
  • Vật liệu chống thấm cần có tính trơ với môi trường kiềm, axit.
  • Có khả năng co dãn theo điều kiện công trình.

Phân loại vật liệu chống thấm trong xây dựng

Vật liệu chống thấm dùng trong xây dựng rất đa dạng được phân loại theo các cách như sau:

Theo nguồn gốc nguyên liệu, vật liệu chống thấm được phân thành:

– Vô cơ: gồm các vật liệu có gốc bitum, xi măng… được dùng chủ yếu trong vữa không co ngót, vữa tự san và tự chảy;

– Hữu cơ: là những vật liệu thân thiện với môi trường, không gây độc hại cho môi trường;

– Hỗn hợp (vô cơ và hữu cơ): bao gồm cả vật liệu gốc vô cơ và gốc hữu cơ, chúng rất phổ biến trên thị trường.

Theo trạng thái sản phẩm, vật liệu chống thấm được phân thành:

Dạng rắn:

– Dạng hạt;

– Dạng thanh: như thanh cản nước; thanh trương nở (Water Stop) được làm từ cao su khi gặp nước sẽ trương nở, được dùng trong công tác thi công mạch ngừng hoặc cổ ống;

– Dạng băng (Water Bars): băng cản nước được làm từ nhựa PVC dùng để lắp đặt tại các mạch ngừng tại các vị trí sàn, thành bể; sàn, tường tầng hầm; sàn khu vực WC…;

– Dạng tấm: thường làm bằng Bitum được gia cố thêm sợi thủy tinh hoặc lớp khoáng cát hoặc đá.

Dạng paste/dán:

– Một thành phần;

– Nhiều thành phần.

Dạng lỏng:

– Dung môi nước;

– Dung môi hữu cơ;

– Không dung môi.

Theo nguyên lý chống thấm, vật liệu chống thấm được phân thành:

– Chống thấm bề mặt: có tác dụng chuyển hướng của dòng nước hoặc hơi ẩm một cách dễ dàng nên sẽ giúp bề mặt không bị thấm;

– Chống thấm toàn khối: vật liệu được trộn với vật liệu chống thấm để toàn bộ khối vận liệu được có tính kháng nước, ngăn nước thẩm thấu ngay từ bên trong. Đây là phương pháp chống thấm chủ động ngay từ khi thi công xây dựng tại các vị trí như sàn tiếp xúc với mặt đất của tầng hầm, nhà tắm, hố pít thang máy… Phương pháp này có ưu điểm là giá thành phải chăng với điều kiện của nước ta.

– Chống thấm chèn, lấp đầy: khi chúng ta quét hay phun vật liệu chống thấm này lên bề mặt vị trí cần chống thấm sẽ giúp các mạch mao dẫn, kẽ hở giữa các hạt cốt liệu được chèn lấp đầy, từ đó sẽ làm cho các vị trí này kháng được nước, kháng ẩm một cách hiệu quả.

* Chúng ta sẽ chi tiết hơn về phân loại chống thấm theo gốc, cụ thể được phân loại thành:

Chống thấm gốc Silicate:

Ví dụ như sản phẩm Water Seal, có ưu điểm là tuổi thọ cao, xử lý được đa dạng sự cố thấm của công trình, độ bám dính rất cao nhưng giá thành loại này cao.

Chống thấm gốc PU:

Ví dụ sơn chống thấm PU KCC, là sản phẩm gốc hữu cơ nên có độ co giãn rất cao, bám dính rất tốt, tuổi thọ cao nhưng giá thành cao.

Chống thấm gốc Bitum:

Bitum hợp chất dạng lỏng nhớt hoặc rắn, chứa các Hydro cacbon và dẫn xuất của chúng, có thể hòa tan trong Tricolro-etylen, ổn định, hầu như không bay hơi và mềm ra khi bị nung nóng, Bitum có màu nâu hoặc đen, có các đặc tính kết dính và không thấm nước. Bitum thu được từ quá trình lọc dầu và cũng được tìm thấy trong thiên nhiên ở dạng kết hợp các khoáng chất. Nó được dùng rất phổ biến trong công nghệ chống thấm, sản phẩm chống thấm trên thị trường hiện nay.

Trong xây dựng, để tăng cường tính dẻo dai, đàn hồi, chịu nhiệt độ và va đập cơ học cho màng chống thấm gốc Bitum, nó sẽ được gia cường bởi các lớp lưới hay sợi.

Chống thấm gốc Bitum gồm dạng lỏng và dạng màng khò, có ưu điểm là chống cháy, bền và chịu được va đập, thi công nhanh, thi công được ở các bề mặt không được bằng phẳng nhưng tuổi thọ không cao và cần xử lý mối nối khi dùng dạng màng một cách cẩn thận.

Chống thấm gốc Epoxy:

Ví dụ sơn chống thấm Epoxy Kova, hội tụ tất cả ưu điểm của các loại chống thấm khác nhưng có giá thành cao.

Chống thấm gốc xi măng:

– Vật liệu chống thấm gốc xi măng là hỗn hợp chống thấm có chứa thành phần gốc xi măng được định mức theo một tỉ lệ nhất định theo từng sản phẩm do nhà sản xuất đưa ra. Ví dụ các sản phẩm như Sika Latex, Masterseal 540, GS-200, KANA-S12…

– Đặc điểm của vật liệu chống thấm gốc xi măng:

  • Tuổi thọ cao, độ bám dính bề mặt và chống chịu nước rất tốt nhưng nó không co giãn được nên khi công trình bị chuyển vị sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chống thấm.
  • Đơn giản trong thi công
  • Không cần lớp quét lót trước khi thi công
  • Có thể thi công trên bề mặt ẩm
  • Không độc hại sử dụng được cho bể nước sinh hoạt cho nước sinh hoạt
  • Có thể ốp lát gạch, đá trực tiếp lên trên bề mặt sản phẩm màng sau khi khô
  • An toàn, không hòa tan, không cháy
  • Khả năng bám dính cao lên bề mặt chống thấm và dưới áp lực nước.

– Các loại sản phẩm chống thấm gốc xi măng:

+ Vật liệu chống thấm gốc xi măng 02 thành phần: bao gồm chất lỏng và bột gốc xi măng được phối trộn theo một tỷ lệ nhất định theo từng sản phẩm.

+ Vật liệu chống thấm gốc xi măng 01 thành phần: được pha sẵn dưới dạng dung dịch, khi quét tạo thành lớp màng chống thấm.

+ Sơn gốc xi măng:

Là sơn chống thấm trộn với xi măng chính để trám trét các vết nứt, các lỗ hổng trên bề mặt tường, bê tông hoặc đã được pha sẵn dạng sơn nước gốc xi măng có kết hợp với các thành phần bám dính là gốc hữu cơ và gốc vô cơ cùng các thành phần phụ gia đặc biệt.

+ Vữa chống thấm gốc xi măng:

Là dạng hợp chất trộn sẵn gốc xi măng, khi pha với nước tạo ra hỗn hợp dạng vữa có tác dụng chống thấm hiệu quả cao.

Các sản phẩm chống thấm gốc silicate, PU và epoxy có nhiều ưu điểm hơn nhưng do giá thành cao nên ít được sử dụng hơn, các công trình xây dựng hiện nay chủ yếu là dùng sản phẩm chống thấm gốc xi măng và bitum do giá thành phải chăng của chúng.

Chúng ta cần chú ý: với bề mặt lớp chống thấm tiếp xúc với nước sạch như mặt trong bể nước sinh hoạt… thì không được dùng sản phẩm chống thấm gây độc hại như gốc bitum… chỉ được dùng sản phẩm chống thấm không gây độc hại như gốc xi măng…

Một số tiêu chuẩn chống thấm trong xây dựng

– TCXDVN 367:2006 – Vật liệu chống thấm trong xây dựng – Phân loại

– TCVN 9345:2012 – Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép – Hưỡng dẫn kỹ thuật phòng chống nứt dưới tác động của khí hậu nóng ẩm.

– TCVN 5718:1993 – Mái và sàn bê tông cốt thép trong công trình xây dựng – Yêu cầu kỹ thuật chống thấm nước.

– TCVN 9065:2012 – Vật liệu chống thấm – Sơn nhũ tương bitum

– TCVN 9974:2013 – Vật liệu trám chèn khe và vết nứt, thi công nóng, dùng cho mặt đường bê tông xi măng và mặt đường bê tông nhựa.

Một số chủng loại chống thấm thông dụng

– Băng cản nước: ví dụ sản phẩm Sika Water Bar của hãng Sika; có gốc hữu cơ, dạng rắn và hoạt động theo nguyên lý chống thấm chèn lấp đầy.

– Tấm trải chống thấm: ví dụ sản phẩm Bitum 850 của hãng Sika; có gốc hữu cơ, dạng rắn và hoạt động theo nguyên lý chống thấm bề mặt.

Trong thực tế, chúng ta sử dụng sợi polyeste, sợi thuỷ tinh hoặc bằng tổ hợp sợi thuỷ tinh và sợi polyeste để gia cường cho chủng loại sản phẩm này.

– Vữa và hợp chất trám khe:

Ví dụ:

Sản phẩm Masterseal – 555. S của hãng MBT; có gốc hữu cơ, dạng paste/dán và hoạt động theo nguyên lý chống thấm chèn lấp đầy.

Sản phẩm CT – 01 của hãng Kova; có gốc hỗn hợp, dạng paste/dán và hoạt động theo nguyên lý chống thấm bề mặt.

Sản phẩm SIKA TOP SEAL – 107 của hãng Sika; có gốc hỗn hợp, dạng paste/dán và hoạt động theo nguyên lý chống thấm bề mặt.

– Sơn chống thấm:

Ví dụ:

Sản phẩm K – 2000 của hãng Kova; có gốc hỗn hợp, dạng lỏng và hoạt động theo nguyên lý chống thấm bề mặt.

Sản phẩm VICTA – EP của Viện khoa học công nghệ xây dựng; có gốc hữu cơ, dạng lỏng và hoạt động theo nguyên lý chống thấm bề mặt.

– Phụ gia chống thấm:

Ví dụ: sản phẩm SIKA LATEX của hãng Sika; có gốc hữu cơ, dạng lỏng và hoạt động theo nguyên lý chống thấm toàn khối.

– Dung dịch chống thấm: ví dụ sản phẩm MASTERSEAL 360 – TE của hãng MBT; có gốc hỗn hợp, dạng lỏng và hoạt động theo nguyên lý chống thấm chèn lấp đầy.

Các tính năng kỹ thuật và cách sử dụng của từng loại sản phẩm đều được nhà sản xuất hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm.

Một số vị trí cần chống thấm phổ biến trong công trình

Là những khu vực có mức độ xâm nhập của nước, hơi nước và độ ẩm cao sẽ là những vị trí cần được chống thấm trong công trình, cụ thể như sau:

  • Vị trí tường tầng hầm, sàn tiếp xúc với đất của tầng hầm, hố pít thang máy;
  • Vị trí nhà vệ sinh;
  • Vị trí có đường ống dẫn nước;
  • Vị trí trần nhà, mái nhà;
  • Vị trí tường nhà ngoài trời;
  • Vị trí tường tiếp giáp.
Sending
Bài viết có hữu ích với bạn? 5 (1 vote)

Phản hồi:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.
0379522222